Chỉ là một công cụ viết lách có vẻ nhỏ bé, khiêm tốn, thậm chí tầm thường nhưng sức ảnh hưởng của cây bút chì với con người lại vô cùng quan trọng.Không chỉ là dụng cụ học tập ngay từ thuở chập chững tới trường mà bút chì còn là công cụ thường ngày của các kiến trúc sư, các nhà thiết kế, những họa sĩ,… Đơn giản chỉ là một ruột than chì trong một vỏ gỗ mà hầu như, bất kỳ ai mới bắt đầu cầm bút cũng sử dụng bút chì để viết nên những nét đầu tiên của cuộc đời. Bạn có biết rằng vật dụng mà bạn cầm đã có cuộc hành trình kéo dài 500 năm .
Vào những năm 1400 con người viết bằng than chì nguyên chất. Nhưng đến cuối những năm 1700, vật liệu than chì trở nên khan hiếm hơn tại Châu Âu. Vì vậy Nicolas Jacques Conté một nhà khoa học phục vụ trong quân đội của Napoleon Bonaparte phát minh ra một công thức mới, cũng là cách mà các nhà sản xuất bút chì hiện nay vẫn sử dụng. Thay vì sử dụng than chì nguyên chất, Conté nung bột than chì với bột đất sét và nước. Bút chì hiện đại xuất hiện vào năm 1795.
Cấu tạo của bút chì
Sau khi tìm ra than chì có thể dùng để đánh dấu được, nhiều người đã dùng vải hoặc chỉ cuốn quanh lõi than chì tạo thành một lớp vỏ, giúp cho việc viết trở nên dễ dàng hơn.
Cách làm này có sáng tạo vào lúc đầu nhưng vẫn tốn nhiều thời gian và không mở rộng được thành mô hình sản xuất . Cách làm vỏ bút chì được tìm ra nhờ một thợ mộc người Ý tạo ra bằng cách tách 2 thanh gỗ được bào nhẵn, đặt thanh than chì vô giữa rồi dán chắc lại. Hình dạng của lớp gỗ này có thể là hình vuông, đa giác hoặc hình tròn, tùy thuộc vào mục đích sử dụng của bút chì, thí dụ như thợ mộc không bao giờ sử dụng bút chì tròn vì chúng dễ lăn khỏi bàn làm việc . Sáng tạo này tiếp tục được ứng dụng.
Tuy nhiên trong quá trình sản xuất cũng có nhiều khó khăn, không phải loại gỗ nào cũng có thể dùng để sản xuất ra thân bút chì. Nếu chọn thân gỗ quá cứng sẽ gặp khó khăn trong quá trình gọt, nếu dùng gỗ từ cây thân mềm bút chì sẽ rất dễ gãy.
Hai loại gỗ dung hòa được các yếu tố như không quá cứng và không quá mềm là gỗ cây tuyết tùng và cây bách xù. Nếu muốn thân bút chì có mùi thơm mà không có sự can thiệp của các hợp chất hóa học tạo mùi, một số nhà sản xuất còn dùng cả gỗ thông!!, tuy nhiên loại gỗ này khá đắt nên không thông dụng trên thị trường, ít người có khả năng sở hữu.
Một người Anh đã tìm ra cách sản xuất bút chì theo lối sản xuất công nghiệp.Với một khối gỗ lớn, người ta rạch các rãnh nhỏ trên bề mặt tấm gỗ, đặt ruột chì vừa khít với các rãnh đó, rồi đặt tiếp lên một miếng gỗ đã được phết hồ dính bên trong, rồi ép chặt xuống mặt dưới. Sau khi hồ khô, người ta cắt phiến gỗ có ruột chì bên trong ra, tạo thành các cây bút.
Nhà máy sản xuất bút chì đầu tiên được thành lập vào năm 1832 ở Keswick và Cumberland Pencil là một trong những công ty hàng đầu sản xuất bút chì thời ấy. Công ty này vẫn duy trì hoạt động tới ngày nay dù các mỏ than chì ở địa phương đã đóng cửa và nguồn cung cấp than chì chủ yếu hiện nay đến từ Sri Lanka và nhiều vùng xa xôi khác. Bút chì Cumberland là một trong những nhãn hiệu có chất lượng hảo hạng nhất vì than chì không bụi và “ăn” giấy rất tốt. Faber-Castell, vừa kỷ niệm 250 năm thành lập cũng là một trong những nhà sản xuất văn phòng phẩm lớn và lâu đời nhất thế giới, trong đó nổi tiếng nhất là loại bút chì màu mà từ thiếu nhi tới các họa sĩ ưa chuộng.
Phân loại ruột chì về độ cứng
Hiện nay các nhà sản xuất thay đổi lượng than chì mà họ cho vào hỗn hợp đó. Bút chì với nhiều bột than chì và ít đất sét sẽ có màu tối hơn. Bằng cách tăng tỉ lệ đất sét và than chì, người ta có thể kiểm soát độ cứng cũng như độ đậm nhạt của lõi bút.
Cây bút chì được công nhận lâu đời nhất trên thế giới, được tìm thấy trong ngôi nhà gỗ được xây dựng năm 1630. Nguyên do là một thợ mộc do trí nhớ nhầm lẫn đã bỏ quên nó lại đây. Cây bút chì được ghép từ hai mảnh gỗ, bên trong là một mảnh than chì tinh khiết và hiện thuộc kho lưu trữ của Faber-Castell.
Những phát minh khác liên quan với cây bút chì
Vào năm 1915, một thợ rèn người Nhật là Tokuji Hayakawa đã phát minh ra cái gọi là “bút chì máy luôn nhọn” (Ever-Ready Sharp mechanical pencil) hoặc đơn giản hơn là bút chì Eversharp. Đó là một cây bút chì nhỏ gọn như bút chì gỗ bình thương và bên trong là phần ruột chì than nằm một cách gọn gàng. Muốn đẩy ruột chì ra, chúng ta chỉ cần xoay phần thân cây bút. Thiết kế này đã nhanh chóng lan rộng khắp thế giới. Và thật bất ngờ, Hayakawa chính là người đã sáng lập ra tập đoàn Sharp sau thành công từ cây bút chì của ông.
Ngoài ra còn có một phát minh khác đã góp phần không nhỏ trong việc định hình nên cây bút chì mà ngày nay chúng ta xài. Vài thế kỷ trước khi Conté phát triển nên hỗn hợp ruột bút chì của ông, công tước Anh Joseph Priestly, người đầu tiên khám phá ra khí oxy đã nhận thấy rằng nhựa cao su tự nhiên khi cọ xát vào giấy sẽ có hiệu quả tẩy được vết bút chì với hiệu quả cao hơn dùng ruột bánh mì. Priestly gọi công cụ tẩy bút chì của ông là “rubber” – từ dùng để chỉ cục tẩy được dùng tới ngày nay tại Vương quốc Anh.
Và sau này, Hymen Lipman – một người bán văn phòng phẩm ở Philadelphia trở thành người đầu tiên dán một mẩu cao su nhỏ vào trong đuôi cây bút chì vào năm 1858. Ông đã được cấp bằng sáng chế cho thiết kế này nhưng tới năm 1875 thì tòa án ra phán quyết bác bỏ tính hợp lệ của bằng sáng chế . Do bằng sáng chế đã không còn hiệu lực, việc gắn tẩy vào đầu bút đã trở thành một phong trào trong lĩnh vực kinh doanh bút chì ở Mỹ. Phần lớn những cây bút chì sản xuất tại Mỹ từ những năm 1920 đều có một cục tẩy nhỏ màu hồng hoặc đỏ ở phần đầu. (ngày nay thì cục tẩy thường làm bằng nhựa vinyl).
Chúng ta vừa kết thúc chuyến du hành 500 năm của cây bút chì, dụng cụ viết chữ đơn giản nhưng cực kỳ phổ biến trên khắp thế giới. Đơn thuần ban đầu chỉ là một khám phá tình cờ với khả năng vạch lên giấy được, cho tới việc tìm cách đưa nó vào nhà, mang nó đi dễ dàng hơn, trộn nó với những thứ khác và cho tới ngày nay, bút chì vẫn là vật dụng gần như không thể thiếu đối với rất nhiều ngành nghề khác nhau, từ một cậu bé tập tành viết chữ tới các nhà văn, nhà khoa học nổi tiếng, cây bút chì gần như đi theo bàn tay chúng ta đến cuối đời.