Nhạc Sĩ Thanh Bình:Có còn lại chăng dư âm thôi
Ðã gần 60 năm trời tên ông chỉ được nhắc qua loa, mơ hồ chiếu lệ thôi. Trong khi mỗi đứa con tinh thần của ông ra đời đều lập tức thấm sâu vào tận đáy lòng người yêu nhạc. Những ai dù chỉ một lần nghe qua giai điệu ca từ của ông cũng dễ lưu giữ trong tâm tư, và chắc sẽ mãi khó quên. Những bài hát mà hầu hết ca sĩ nổi danh của chúng ta đã hái ra tiền từ đó không ít. Ấy vậy mà... giờ đây có mấy ai biết, hay ít nhất thoáng nghĩ về người nhạc sĩ ấy.
Yêu rồi, tình yêu sao chua cay
Các tác phẩm của nhạc sĩ Thanh Bình được ông viết bằng cả tình yêu ngọt ngào, dung dị của hồn quê, tình yêu thương sâu sắc quê hương đất nước mình, với những cảm xúc đầu đời hồn nhiên Chỉ vậy thôi nhưng cũng quá đủ để đong đầy tình người hâm mộ dành cho ông. Âm nhạc của ông thật gần gũi với tâm tư tình cảm, đời sống con người qua các ca khúc mà ông đã âm thầm góp phần trong gia tài âm nhạc Việt Nam.
Sáng tác đầu tay của ông là Những nẻo đường Việt Nam - viết từ tình yêu quê hương đất nước khi ông còn đang ở xứ Thanh: Những nẻo đường Việt Nam. Suốt từ Cà Mau thẳng tới Nam Quan. Ôi những nẻo đường Việt Nam. Ơ! Ta đắp đường làng ta. Nhắn ai đi, xin chớ quên quê nhà. Con đường về thôn vui quá! Tiếp đó, Lá thư về làng cũng viết từ Thanh Hóa đã khiến bà con từ làng Thanh kéo đến thăm ông sau khi ngheLá thư về làng qua làn sóng phát thanh của Pháp thời ấy. Với lời ca chân chất, cách dùng từ mộc mạc, cùng giai cảm đơn thuần nhẹ nhàng luyến thương sâu sắc, sao mà không đi thăm ông cho được: “Từ miền xa, viết thư về thăm xóm làng. Sắt son gửi trong mấy hàng. Thăm bà con dãi năm tháng”...Hay một bức tranh quê rất Việt: “Em thơ ơi! Có còn học hành sớm tối? Áo nâu tươi, gái làng còn che môi cười. Và đàn bò còn nghe chim hót lưng đồi...”.
Nhạc sĩ Thanh Bình
Ông có hàng loạt tác phẩm nổi tiếng đáng nhớ đã lần lượt ra đời trong những thập niên 1950, 1960 và 1970 của thế kỷ trước như: Tiếc một người, Chiều vàng trên sóng, Còn nhớ hay quên, Ðừng đến rồi đi, Gặp gỡ duyên nhau, Hợp đoàn mà ca lên, Mưa qua sông, Kẻ ở (thơ Quang Dũng), Bông súng đồng quê, Thương nhau hát lý qua cầu...
Nổi tiếng nhất vẫn là Tình lỡ - bản tình ca đã được nhiều thế hệ ca sĩ Việt Nam cất cao tiếng hát chinh phục trái tim khán giả mộ điệu, đã biết bao nước mắt, nụ cười xúc cảm theo lời ca. Cái thời khắc phân ly kẻ đi người ở đã để lại cho đời một tác phẩm mà mãi đến bây giờ hầu như ai ai cũng biết, cũng nghêu ngao thấm thía đến từng từ của cái phận đời đen bạc:
Yêu rồi tình yêu sao chua cay,
Hỡi người! Bỏ ta trong mưa bay
Phương trời mình đi xa thêm xa
Nghe vàng mùa thu sau lưng ta
Bài hát ông viết cho chính cuộc đời mình và cho một cuộc tình đẹp không phần kết. Họ lạc nhau khi đất nước chia cắt để rồi trọn đời ly biệt. Nhưng cuộc tình ấy, người con gái ấy đã theo đuổi nỗi nhớ trong ông đến tận bây giờ.
Mắt lệ mờ hoen, dư âm xưa
Cuộc đời nghệ sĩ của ông đầy thăng trầm biến động, giờ cũng chỉ còn lại hình hài một ông lão ngoài 80 nhỏ bé, cô đơn.Nhưng thật ra tiếng lòng của người nhạc sĩ tài hoa ấy chưa bao giờ khép lại. Ông không sống bằng dư âm, nhưng có lẽ luôn ấp ủ nó ở đâu đó trong sâu thẳm tâm hồn mình.Gặp ông lần đầu, tôi ấn tượng với đôi mắt của một bậc lão niên mà còn rất “hồn nhiên”. Duy có điều ánh mắt ấy ít muốn nhìn lên, như đang mặc cảm cố giấu hoặc không muốn nhớ, hoặc chẳng thể nào nhớ nổi về cái cuộc đời quá lao đao, quá gian nan, khổ lụy này. Mắt lệ mờ hoen, dư âm xưa - chuyện Tình lỡ năm nào như đang vận vào ông.
Quả thật, cần nhiều khoảng lặng lắm ông mới có thể trải lòng cùng tôi về những cuộc tình, những đám cưới đã đi qua đời mình...Ðời nghệ sĩ đưa ông lang bạt kỳ hồ. Cứ Hải Phòng, Nam Ðịnh, Thanh Hóa, ra Hà Nội rồi lại vào Nam, nhưng cũng chẳng tránh khỏi phận long đong... Rồi nhiều cuộc tình dâu bể không thành. Có lần ông lại thành “chú rể bỏ trốn” ngay trước giờ hôn lễ. Mãi đến năm 1973 ông mới chính thức lập gia đình với một người phụ nữ xinh đẹp, sống trong căn hộ chung cư ở đường Tự Do (nay là Ðồng Khởi) , Q.1, Sài Gòn. Cuộc sống khá đơn sơ, sáng ông dạy lớp tiếng Anh, chiều lớp tiếng Pháp. Và có lẽ cũng hạnh phúc được vài năm. Sau năm 1975, vợ chồng ông mở quán cơm ven đường Ðồng Khởi. Những tưởng đâu sẽ an lành bên vợ đẹp con xinh, nhưng rồi cũng đến lúc cơm không lành canh không ngọt. Bà đã bỏ đi khỏi nhà, bỏ lại ông khi con gái mới hơn 3 tuổi. Ông rơi vào cảnh gà trống nuôi con mọn, kinh tế túng quẫn, cuộc sống vá víu đắp đổi qua ngày. Ông mơ hồ nói: “Có lẽ cô ấy đã rẽ sang bước khác, tôi không chắc cũng chẳng nhớ nữa...”
Tôi thắc mắc: Vì sao mà tình trường của ông luôn dang dở vậy? Ông khẽ nhận, “phần nhiều là do lỗi nơi tôi”. Ðôi mắt buồn trĩu nặng! Hỏi thêm ông về những tháng ngày sau đó, ông xua tay bảo: “Trời ơi! Thời gian lâu quá không làm sao nhớ nổi”.Không nhớ nổi hay là ông đã muốn quên đi những nhọc nhằn, cay đắng trong cuộc đời mình. Chỉ khi nhắc đến con gái thì tự nhiên ông lại nhớ, lại kể: “Con gái gần 40 tuổi, nó lận đận lắm, đời chồng trước thì hợp pháp nhưng không bền. Ðời thứ hai thì không hôn thú nhưng cũng là chồng. Bây giờ con gái đang ở tù, vướng vào vòng lao lý của vòng đời cơ cực mà ra!... Do nó ham tiền, hùn vốn làm ăn với người ta rồi gặp xui nên mắc họa”.
Chỉ còn hiu hắt cơn sầu, không nguôi
Thế rồi ông lại bơ vơ. Hai cô cháu gái của ông xót xa kể: “Khi con gái đi tù mới khoảng một năm, ông bị bỏ rơi ở bến xe miền Ðông. Ông già 81 tuổi gầy gò, ốm yếu đang mắc nhiều bệnh nguy nan với thùng quần áo cùng cái quạt máy cũ kỹ. Ông sống lay lắt gần tháng trời với bánh mì hay ăn tạm miếng cháo qua ngày”. Những ngày lang thang đó, ông kể: “Tôi đưa chứng minh nhân dân thuê được chiếc chiếu 500 đồng/ngày, tìm đại chỗ trống ngả cái lưng, sáng ra thấy người ta cũng ngủ đông nghẹt xung quanh”.
Cũng may còn một chút an ủi, ông còn có những người cháu gọi là cậu ruột. Họ cũng mồ côi cha mẹ. Và họ sẵn sàng đón ông về chăm lo nuôi dưỡng. Cũng gần một năm rồi, họ túm tụm đùm bọc nhau trong căn nhà chỉ 21m2 mà có tám nhân khẩu, nay lại nuôi thêm ông. Cô cháu tên Châu ngắt lời cô Phượng: “Cũng may qua thông báo của công an khu vực, chúng tôi biết được công an bến xe miền Ðông đang giữ một ông già ngày nào cũng ôm cái quạt máy cũ đi qua đi lại nơi đây. Họ định đưa ông về trại dưỡng lão nhưng may quá có chứng minh nhân dân, họ biết địa chỉ chúng tôi. Chúng tôi xin đưa cậu về nuôi dưỡng nhưng cậu không chịu đi. Có lẽ cậu sợ bị mang đi bỏ nơi khác xa hơn, rồi không có cơ hội được gặp con gái. Cậu cứ một mực muốn tìm đường xuống trại giam để được ở gần con gái vì quá nhớ”.
Nỗi nhớ thương con trong vô vọng. Liệu ông có đủ sức chờ đợi khi tuổi già sức yếu lắm bệnh nguy nan đeo bám, nào là tim, cao huyết áp, giờ lại thêm bệnh phổi và bệnh nghễnh ngãng... Không biết khi con gái được mãn tù, ông có còn sống để nhớ mà nhận ra con không?...Phút chia tay tôi vẫn nhớ cái dáng người gầy gò nhỏ bé, đôi mắt nửa tỉnh nửa ngây dại của ông trong ráng chiều bên vỉa hè giữa dòng xe cộ ngược xuôi. Phải chăng chỉ còn lại dư âm trong trái tim những người yêu các nhạc phẩm mang tên ông. Còn thì những dư âm của ngày tháng cũ nay đã thật sự tan biến trong trái tim người nhạc sĩ tài hoa mà bạc phước ấy.
Chỉ còn hiu hắt cơn sầu, không nguôi...