Ngày xưa, có một vị tú tài nghèo lên kinh đô dự thi, khi đi qua núi Vũ Di bị ốm ngã xuống, được lão phương trượng chùa Thiên Tâm nhìn thấy đưa về chùa, hãm một chén trà cho uống, bệnh liền khỏi ngay.Về sau, vị tú tài đó đỗ trạng nguyên và được làm phò mã. Một ngày xuân nọ, vị trạng nguyên trẻ đến núi Vũ Di để tạ ơn, được lão phương trượng dẫn đến Cửu Long Khoa, nhìn thấy trên mặt đất những cây trà rất cao, cành lá tươi tốt, bên cạnh còn nhú lên những mầm cây non mập mạp, dưới ánh mặt trời sáng lên một màu tím hồng đẹp mắt, đáng yêu. Lão phương trượng nói, năm xưa cậu mắc bệnh cổ trướng, chính là những cây trà này đã chữa khỏi bệnh cho cậu.
Trạng nguyên nghe vậy liền xin lão phương trượng một hộp trà đem về dâng lên Hoàng thượng. Ngày ấy trong chùa thắp hương đốt nến, rung chuông đánh trống, gọi tất cả hòa thượng trong chùa đến thẳng Cửu Long Khoa. Đám đông đến dưới gốc trà thắp hương bái Phật, đồng thanh kêu to “trà ra mầm”, sau đó hái lá trà chế biến cẩn thận rồi cho vào hộp thiếc. Sau khi vị trạng nguyên đem trà vào kinh, đúng lúc Hoàng hậu cũng đang mắc bệnh cổ trướng, nằm bất động trên giường. Vị trạng nguyên liền cho Hoàng hậu uống nước trà pha từ gói trà vừa mang về. Quả nhiênuống trà xong bệnh liền khỏi ngay. Hoàng thượng vô cùng vui mừng, liền tặng cho trạng nguyên một tấm đại hồng bào, nhờ trạng nguyên đến núi Vũ Di phong thưởng.
Trên đường đi pháo đốt liên hồi, đuốc cháy sáng rực. Đến Cửu Long Khoa, trạng nguyên liền leo một mạch lên đến lưng chừng núi, đặt hồng bào Hoàng thượng ban cho lên cây để biểu thị ân điển của Hoàng thượng. Kể cũng lạ, khi hồng bào được mở ra, những mầm lá trà trên cây bỗng sáng lên một ánh sáng màu hồng. Mọi người cho rằng đó là màu hồng lẫn màu của hồng bào. Vì thế, về sau người ta gọi loại trà này là trà “Đại Hồng Bào”. Có người còn khắc lên vách đá ba chữ “Đại Hồng Bào” rất lớn. Từ đó, Đại Hồng Bào trở thành một thứ trà hằng năm được dâng lên Hoàng thượng.