Chợ Hôm
Khoảng từ giữa đến cuối thế kỷ XIX, thời gian Pháp chưa chiếm được Hà Nội tại làng Giáo Phường, tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương đã có một cái chợ chuyên họp vào lúc chiều hôm, người dân ở khu vực này mang đến đây để bán vài thứ vặt vãnh như mớ rau, mớ tôm, mớ cá. Các bà nội trợ muốn mua những thứ khác phải lên chợ Cầu Đông hay lên tận chợ Bưởi. Vì thế chợ này có tên là chợ Hôm (họp lúc chiều hôm).
Đến khi Pháp chiếm Hà Nội, cùng với sự mở mang đường phố, chợ bắt đầu họp cả ngày. Để đáp ứng nhu cầu mua gà, vịt của Nhà thương Đồn Thủy nên từ sáng tinh mơ bà con ở các làng xa đã mang gà, vịt ngồi bán ở cổng chợ. Nên đoạn Phố Huế qua chợ Hôm thời Pháp còn có tên là phố Hàng Gà, đoạn phố này dốc từ cuối Hàng Bài dốc xuống nên còn gọi là dốc Hàng Gà. Để phân biệt với phố Hàng Gà cạnh Cửa Đông nên người ta gọi đoạn Phố Huế này là phố Hàng Gà – Chợ Hôm. Chợ họp cả ngày nhưng cái tên Chợ Hôm vẫn được giữ đến ngày nay.
Vào khoảng 1950 – 1951, phía sau chợ Hôm có một khu đất trống vốn là đất của chùa và đền của các thôn Đức Bác, Hoa Viên thuộc tổng Hậu Nghiêm, huyện Thọ Xương (sau hai thôn này sáp nhập với nhau gọi là Đức Viên) đã bị đổ nát.
Một cái chợ hình thành theo kiểu tự phát đã mọc lên ở khu đất này có tên là chợ Đức Viên, dấu tích của chùa cũ là hai cái tháp cổ còn sót lại trong chợ.
Chợ Đức Viên có hai lối đi vào, một ở phố Trần Xuân Soạn, một ở phố Ngô Thì Nhậm và có lối thông sang chợ Hôm. Về sau hai chợ Hôm và Đức Viên giao cho UBND khu phố Hai Bà Trưng quản lý và sáp nhập làm một gọi là Chợ Hôm – Đức Viên.
Chợ Đuổi
Đầu thế kỷ XX, chợ Hôm đã là một chợ lớn sầm uất chỉ thua chợ Đồng Xuân, chợ có cổng chính, cổng phụ, các cầu chợ và có hàng rào xung quanh. Cuối buổi chợ là người “khán chợ”, ngày nay gọi là bảo vệ chợ, đóng cổng, giải tán họp chợ. Mà vào buổi chiều, nhu cầu mua bán vẫn còn nên những người bị đuổi lại kéo nhau xuống khu bãi cỏ ở làng Thể Giao, chỗ này thời Pháp thuộc là ngõ 325 nay là phố Thể Giao, để họp chợ cùng với những người bán hàng rong trên phố nhưng vẫn còn hàng chưa bán hết. Nên cái chợ cóc này gọi là chợ Đuổi, chợ của những người bị đuổi từ chợ Hôm xuống, nay là đoạn cuối phố Tuệ Tĩnh.
Người Pháp mở con phố từ Phố Huế đến phố Nguyễn Đình Chiểu đặt tên là Rue Goussard (phố Gútxa) đi qua cái chợ cóc này. Dân chúng gọi tên là phố Chợ Đuổi, đến 1945 đổi tên là phố Thái Phiên, thời tạm chiếm từ 1947 đến 1954 đổi lại tên cũ là phố Chợ Đuổi. Đến tháng 6/1964 trong đợt đổi tên một số đường phố của Hà Nội, phố Chợ Đuổi đổi tên là phố Tuệ Tĩnh rồi giữ nguyên cho tới bây giờ.
Khoảng thập niên 30-40 thế kỷ trước, chợ Đuổi bị dồn xuống họp ở bãi đất cuối phố Bà Triệu, vốn là nền của nhà máy diêm bị cháy, được xây dựng từ 1892 thời Pháp thuộc. Dân chúng vẫn gọi cái chợ này là chợ Đuổi, nhưng để phân biệt với chợ Đuổi đầu tiên nên gọi chợ mới là chợ Đuổi – nhà Diêm.
Sau ngày tiếp quản Hà Nội, vào năm 1957, chính quyền giải tán chợ để xây dựng Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo chuyển từ chiến khu Việt Bắc về, ngày nay là vị trí tòa nhà siêu thị Vincom. Một lần nữa chợ lại bị dồn xuống họp ở phố Lê Đại Hành, lan vào cả phố Cao Đạt. Cái chợ mới hình thành dân gian vẫn gọi là chợ Đuổi.
Chợ Hàng Da
Tên như vậy không phải là vì chợ chuyên bán da mà do chợ họp ở cuối phố Hàng Da. Phố này xưa là làng Yên Nội có nghề thuộc da trâu bò. Lúc đầu chợ chỉ họp buổi sáng, khi Pháp mở phố giải tán chợ ở phố Hàng Phèn thì chợ Hàng Da mới họp cả ngày.
Đây vốn là chợ nhỏ, kiểu chợ làng, bán rau cỏ, trong chợ chỉ có vài cái lều tạm, cửa chợ có một số người hành nghề xem bói, ngồi trên các chõng tre, buổi tối các gánh hát hay gánh xiếc thường thuê mặt bằng chợ để diễn. Mãi tới khoảng 1937-1938 mới xây cầu chợ, chợ từ đó mới định hình.
Chợ Hàng Bè
Sở dĩ chợ có tên như vậy vì nó gắn bó với sự hình thành phố Hàng Bè, là một trong những con phố cổ của Hà Nội. Phố Hàng Bè đi từ ngã ba Hàng Mắm – Hàng Bạc đến ngã tư Cầu Gỗ – Hàng Thùng, nối tiếp phố Hàng Dầu. Phố Hàng Bè thuộc phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm – thành phố Hà Nội.
Trước kia Hàng Bè là một khúc của con đê cũ, khi dòng chảy của sông Hồng còn ở sát chân đê, các bè gỗ và những vật liệu làm nhà như tre, luồng, nứa, lá, song, mây từ miền ngược được chở về đây để bán. Do đó khúc đê này có tên là Hàng Bè, chợ trên đê là chợ Hàng Bè.
Về sau sông Hồng đổi hướng dòng chảy về phía đông, đất cát bồi sát chân đê nên bè mảng chở vật liệu xây dựng không cập bến sát chân đê Hàng Bè được nữa. Đến khi người Pháp san đê mở phố đã đặt tên cho con phố này là Rues des Radeaux (dịch nguyên nghĩa chữ “phố Hàng Bè”). Phố được xây dựng trên nền đất xưa vốn thuộc thôn Nam Hoa, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương.
Đoạn đầu phố Hàng Bè xưa kia gọi là phố Hàng Cau vì ở đây tập trung nhiều cửa hàng bán cau khô. Từ khoảng năm 1945, nhập hai phố Hàng Cau và Hàng Bè làm một và giữ nguyên tên gọi Hàng Bè đến ngày nay.
Theo lẽ thường, hễ cứ chỗ nào đông dân cư sinh sống là nơi ấy sẽ có chợ. Nhìn vào chợ, người ta sẽ biết được đời sống của người dân nơi ấy ra sao. Ở Kẻ Chợ xưa – Thăng Long, Hà Nội nay, chợ luôn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày của người dân.
Nhưng với người Hà Nội – Kẻ Chợ, chợ Hàng Bè không chỉ đơn thuần là nơi mua bán đồ ăn, thức uống, những vật dụng sinh hoạt hàng ngày. Chợ là nơi người ta đến mà có lúc chẳng cần để mua bán gì, những lúc ấy, chợ chính là nơi gặp gỡ, giao lưu, là nơi giải trí, là một nét văn hóa trong sinh hoạt của người dân phố cổ.
Chợ Hàng Bè trước kia họp ở góc ngã tư Hàng Bè – Cầu Gỗ, trên một bãi đất trống. Sau để tránh cản trở giao thông, chợ được di vào chỗ đầu phố Gia Ngư, khi ấy còn là một phố xép, và người ta cứ quen gọi là chợ Hàng Bè, mặc dù chợ không còn ở trên phố Hàng Bè.
Nằm ngay cạnh Hồ Gươm, với người dân phố cổ, chợ Hàng Bè gắn bó thân thiết với họ cả trăm năm nay và vô hình trung nó đã trở thành một không gian văn hóa rất riêng của người Hà Nội. Nó cũng phản ánh được một phần cuộc sống, thói quen sinh hoạt, gu ăn uống truyền thống của người dân nơi phố cổ. […]
Ngoài bốn chợ kể trên, nội thành Hà Nội còn có các chợ khác như chợ Cửa Nam, chợ Mơ, chợ Đồng Xuân, chợ Bắc Qua, chợ Châu Long, chợ Ngọc Hà, chợ Bưởi… cũng là những cái chợ lâu đời gắn bó với người Hà Nội.