Mỗi năm, khi Tết đến, từ thành thị tới các làng quê, cùng với việc mua sắm hàng Tết, dựng cây nêu, người ta không quên mua dăm quả cau, bao chè tới xin câu đối cụ Nghè, cụ Cử.
1.Câu Đối Ngày Tết :
Câu đối thờ viết trên giấy đỏ dán ở cột, ở cửa nhà nội dung thường bày tỏ lòng biết ơn của cháu con đối với tiên tổ Năm có bốn mùa, mở đầu bằng mùa xuân. Người ta có trăm tính nhưng tính hiếu thảo là cần trước hết .Vậy tục treo câu đối Tết có từ bao giờ ? Sách xưa có kể phong tục của người dân Bách Việt, trong ngày Tết Nguyên đán theo bùa gỗ có hình hai vị thần Thần Ðồ và Uất Luỹ treo hai bên cửa ngõ. Ðó là hai vị thần sống dưới gốc đào lớn dưới núi Ðộ Sóc chuyên cai quản đàn quỷ, hễ quỷ nào "phá rào" đi làm hại dân thì thần hoá phép trừ đi .Sau này việc treo bùa gỗ "Ðào phù" được thay bằng câu đối hai bên cửa. Ðời sống khấm khá dần, mỗi người, tuỳ hoàn cảnh, gửi gắm vào câu đối những ý tứ, những niềm vui cùng ước vọng vào một năm mới đang đến. Vào thế kỷ 15, thú chơi câu đối Tết đã trở nên phổ biến, khắp Kinh kỳ, từ dinh thự của quan lại tới các tư gia, đâu đâu cũng treo câu đối Tết. Lại có cả cấu đối nói về nghề nghiệp dán ở cửa hàng, cửa hiệu.
Tương truyền, vào một năm, sắp tới giao thừa, vua Lê Thánh Tông ra phố phường xem dân ăn tết. Thấy một nhà không treo câu đối, vua vào hỏi, biết đó là nhà một người thợ nhuộm vợ goá, con trai đi vắng, vua bèn lấy giấy bút và viết : Xanh vàng thiên hạ đều tay tớ, Ðỏ tía triều đình tự cửa ta. Cùng với chữ Hán, nhiều danh sĩ nước ta còn viết câu đối Tết bằng chữ Nôm.
Nét bút của các vị, ngày thường đã cứng cỏi, khí phách nay giữa ánh xuân của đất trời càng thêm mềm mại, tài hoa. Và hàng năm, như đã thành lệ đẹp vào dịp Tết, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám lại tổ chúc triển lãm thư pháp, thư hoạ. Dịp này một số nhà nho lại được mời đến viết câu đối tết. Vẻ xưa khơi dậy đã thu hút hàng ngàn người trong và ngoài nước tới chiêm ngưỡng.
2.Tranh Tết : còn gọi là tranh mộc bản, tranh Đông Hồ. Vì loại tranh này sản xuất theo phương thức khắc bản gỗ in ra và thường do nghệ nhân làng Đông Hồ sản xuất nhiều nhất.
Dù là gọi tên gì đi nữa, loại tranh này vẫn được trưng bày và bán cho dân chúng xử dụng trong ngày Tết Nguyên Đán. Nguồn gốc xuất xứ loại tranh này đang còn nhiều bàn cãi và chưa có chứng minh cụ thể.Dựa vào gia phả vài dòng họ có liên quan thì tranh Tết có từ đời nhà Lý (1010-1225) nhưng có giả thuyết cho rằng nó mới xuất hiện trong đời nhà Hồ (1400-1414) và được phát triển mạnh mẽ từ đời nhà Lê (1533-1788) cho đến nay
Theo các nghệ nhân làng Đông Hồ (Bắc Ninh) và Nam Đàn (Nghệ an) loại tranh này từ Trung Hoa du nhập vào VN từ thế kỷ XV do cụ Lương Nhử Học đổ tiến sĩ đời Lê, đi sứ Trung hoa học được nghề mang về dạy cho dân. Tuy nhiên khi được du nhập vào VN đã biến thể từ hình thức đến nội dung trở thành một loại tranh có đặc thù cá tính dân tộc. Những bức tranh Tết này đều có hàm ẩn những nội dung cao xa, những ý nghĩa thâm thúy, mang nặng tính chất đặc thù dân tộc, có tính cách giáo dục, trào lộng, đôi khi còn lồng vào những nét châm biếm nhẹ nhàn. Có thể phân loại tranh Tết như sau:
Tranh chúc tụng: Tranh gà, tranh lợn, tướng quân, tiến sĩ, Phúc-Lộc-Thọ (hình vẽ hoặc chữ) môĩ tấm tranh có mỗi ý nghĩa của lời chúc: an lành, giàu sang, tăng phẩm hàm chức tước hoặc đông con.
Tranh để thờ : Như táo quân, Phật Bà, Thổ công, tứ bình (4 loại hoa hay quả), tứ linh (lân, long, qui, phượng), tứ thời (xuân, hạ, thu, đông).
Tranh lịch sử:Vẽ các anh hùng liệt nữ như Lý thường Kiệt, Hai bà Trưng, Bà Triệu, Trần hưng Đạo, Ngô Quyền v v..
Tranh giáo dục: Như Cóc đi học, Nhị thập tứ hiếu (24 người giữ đạo hiếu), tranh ngụ ngôn.
Tranh trào lộng:Chuột đỗ trạng nguyên, chuột vinh qui, đám cưới chuột, chuột mèo hóa giải, hái dừa, thầy đồ cóc.v.v..
Cách sản xuất loại tranh này rất đơn giản, nghệ nhân khắc đường nét lên gỗ cứng (thường dùng gỗ cây thị) tiếp đến bôi mầu lên bản khắc, rồi in lên giấy hay lụa bồi . Giấy hoặc lụa được hồ sẳn bằng bột phấn trắng chế tạo bởi vỏ sò (điệp) cho nên gọi là phấn điệp. Các mầu khác lấy từ khoán sản hay thảo mộc .Tranh Tết là loại tranh mộc mạc chân chất đi thẳng vào lòng người những cảm xúc khi thì tôn nghiêm thờ phượng, khi thì bình lặng suy tư, khi thì khuyên bảo hoặc châm biếm nhẹ nhàn. Làm cho lòng người nồng ấm thêm một niềm tin, một chút kiêu hảnh bỏi giòng giống Tổ Tiên, hoặc thêm một tiếng cười hồn nhiên giòn giã trong ba ngày Tết.
Một hàn sĩ ngày xưa đã tóm gọn một cái Tết đầy âm vang và mầu sắc trong hai câu thơ sau:
Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột,
Om sòm trên vách bức tranh gà.
Hăm ba tháng Chạp, gia đình người Việt làm lễ đưa ông Công, ông Táo về trời, gói bánh chưng hay bánh tét, ngày 30 làm cỗ tất niên, sang năm mới đi chúc tết họ hàng người thân... Phong tục Việt Nam là vậy.
3.Khai Bút Đầu Năm :
Trong văn hóa và thói quen của người Việt, mọi người quan niệm rằng, ngày đầu tiên của năm là ngày quan trọng cho một khởi đầu mới. Những ngày đầu tiên của năm, nếu mọi việc suôn sẻ, ai nấy vui vẻ thì cả năm sẽ luôn được may mắn. Trong khoảng thời gian ấy, mọi người thường tranh thủ làm nhiều việc lấy may cho cả năm, trong đó, tục chắp bút (hay khai bút) đầu năm luôn luôn được nhân dân ta để ý, nhắc nhở nhau thực hiện, mong cho một năm mới phát tài .Tục khai bút thường chỉ có giới học giả trong xã hội mới thực hiện. Tục này xưa có ông đồ, thầy đồ, học sĩ... ngày nay có học sinh, giới văn sĩ, thi sĩ, người làm nghề viết. Thường thì sau giao thừa, mọi người sẽ chọn một giờ tốt để làm lễ khai bút. Đây cũng chỉ là một lễ tượng trưng, gọi là để bắt đầu sự nghiệp, sự học, sự viết cho một năm mới. Có người chỉ viết lên ngày, tháng đánh dấu việc khai bút, nhưng cũng có người sáng tác cả một tác phẩm đầu năm cho lúc khởi đầu này.
Cũng có người viết lên những mong muốn cho một năm mới nhiều thuận lợi, học hành được tiến bộ và tương lai nghề nghiệp rộng mở. Những ông đồ hay Nho sĩ khai bút thường viết câu đối hoặc một chữ đẹp để treo trong nhà .Tục khai bút không phải là một nghi lễ bắt buộc trong ngày Tết, nhưng từ bao lâu nay, nó vẫn được mọi người đề cập đến nhiều trong cuộc sống, nhất là những ngày đầu năm. Và, không nhất thiết phải khai bút vào ngay sau giao thừa, mà có thể chọn một ngày hay một giờ thích hợp nào đó để làm việc này, từ ngày mùng 1 Tết cho đến những ngày sau đó. Khai bút đại cát - người xưa thường viết như thế khi đưa những nét chữ đầu tiên của năm, với ý nghĩa là khai bút để gặp những điều tốt lành, đồng thời thể hiện sự tôn trọng chữ nghĩa, đề cao sự học. Đây là một tập tục đẹp, một nét văn hóa Tết đáng được dân ta gìn giữ, phát huy cho đến tận mãi về sau.