Hình ảnh những hàng cau thẳng tắp, cao vút, thân lá xẻ hình lông chim, lung linh trong nắng sớm, đong đưa trước gió chiều hay in hình trên nền trời xanh thẳm vào những đêm trăng sáng; cùng hình ảnh những giàn trầu không xanh rờn với những chiếc lá to bằng bàn tay nơi góc vườn của nội, của ngoại... đều là những hình ảnh thân quen đã in sâu vào ký ức của nhiều người. Ngày nay chúng đã trở thành những hình ảnh biểu tượng cho quê hương trong nỗi nhớ, niềm thương của những người con xa xứ. Và tục ăn trầu đã thành nét văn hóa ngàn xưa…
“Miếng trầu là đầu câu chuyện”
Là sự khơi mở tình cảm khiến người với người gần gũi, cởi mở với nhau hơn – giống như ngày nay, mỗi khi gặp nhau, người ta hay mời nhau chén trà, điếu thuốc vậy. Trong gia đình người Việt truyền thống, ngày lễ, ngày tết lại càng không thể thiếu được cơi trầu với những miếng trầu đã têm vô cùng đẹp mắt để trước là cúng tổ tiên, sau là mời khách.
Tục “ăn trầu” có từ thời vua Hùng, qua sự tích “trầu cau” như sau:
Ngày xưa có hai anh em nhà nọ giống nhau như đúc, cùng đến học nhà ông thầy đồ. Ông thầy gã con gái cho người anh. Một thời gian sau, do có chuyện hiểu lầm, người em buồn phiền, bỏ nhà đi vào rừng. Đi lang thang cả ngày mỏi chân, đến bờ suối ngồi nghỉ mệt, rồi biến thành hòn đá. Người anh không thấy em về nhà bèn đi vào rừng kiếm. Đi mãi chẵng thấy, chân đã mỏi, anh ta bèn đến bờ suối uống nước, ngồi nghỉ bên cạnh hòn đá mà tưởng nhớ đến em, rồi biến thành cây cau. Cô vợ không thấy chồng về nên vào rừng tìm. Đi khắp nơi tìm kiếm không thấy, bèn đến bờ suối, dựa vào cây cau mà than khóc. Cô nàng biến thành cây trầu leo quanh cây cau.
Vua Hùng đi qua nơi đó, nghe chuyện, bèn lấy lá trầu giã với quả cau rồi đổ lên hòn đá, thì lạ quá :chỗ đó có màu đỏ. Người ta bảo rằng nỗi u uất của ba người đã được giải tỏa, vợ chồng anh em đều đã cảm thông hòa hợp;màu máu đỏ thể hiện sự thẳng thắn thủy chung của ba anh em. Từ đó có phong tục dùng trầu cau trong lễ cưới hỏi, hội hè;thể hiện sự chung thủy của người Việt Nam.
Trầu cau và văn hóa ăn trầu gắn bó với đời sống người Việt qua nhiều đời, nhiều thế hệ nên nó còn hiện diện và lắng đọng sâu đậm trong văn học dân gian, ca dao, dân ca:
“Tiện đây ăn một miếng trầu
Hỏi thăm quê quán ở đâu chăng là
“Em về, anh gửi buồng cau
Buồng trước kính mẹ,
buồng sau kính thầy hoặc
“Trầu này đủ vỏ, đủ vôi
Đủ cau, đủ thuốc, đủ mùi xạ hương”…
Không chỉ có vậy, miếng trầu đã được nâng lên thành nghệ thuật ẩm thực.
Bởi vậy, cách têm trầu cũng thể hiện sự cầu kỳ, tinh tế – tùy từng hoàn cảnh tiếp đãi mà trầu được têm theo mỗi cách khác nhau với ý nghĩa biểu trưng: Trầu cánh phượng, cánh kiến, cánh quế, mũi mác. Miếng trầu đã têm còn thể hiện nét tài hoa, khéo léo và tính nết của người têm nó.Ngày nay rất ít người còn có thói quen ăn trầu, mặc dù trầu, cau luôn hiện diện trong các nghi lễ truyền thống quan trọng như cưới hỏi, tế tự, tang ma, táng tục…Miếng trầu xuất hiện nhiều trong đời sống sinh hoạt của người dân Việt. Như người xưa đã nói “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, trầu dùng để mời khách đến chơi nhà. Mâm cỗ cúng gia tiên cũng không thể thiếu được miếng trầu. Tiệc cưới có đĩa trầu để chia vui. Miếng trầu, còn là tượng trưng cho tình yêu lứa đôi; miếng trầu đi đầu, tác hợp cho lứa đôi và là sợi dây kết chặt mối lương duyên trai, gái thành vợ thành chồng. Để đưa mâm lễ sang thưa chuyện nhà gái, nhà trai không thể thiếu được lá trầu, quả cau.
Người xưa ăn trầu còn là để bảo vệ hàm răng của mình, chất chát của trầu cau làm cho lợi răng co lại ôm sát lấy chân răng, làm hàm răng cứng chặt lại không lung lay. Còn trong y học cổ truyền người Việt Nam xưa đã dùng trầu cau như một thứ thuốc chống bệnh sốt rét rừng một khi vào rừng sâu săn bắn hoặc xuống biển mò ngọc trai, săn bắt đồi mồi…
Mời trầu khách
Theo tục ăn trầu, khi khách đến nhà, trước tiên, chủ nhà mang khay trầu ra tiếp đãi. Trên khay có đĩa đựng trầu, đĩa dựng cau, hủ vôi, hộp thuốc xỉa, dao, đĩa đựng vỏ giấy, vỏ cau… dưới chân lúc nào cũng có một ống nhổ lớn để khách nhổ bả trầu, nước trầu.
Cơi đựng trầu, bình vôi, chìa vôi :
Nếu khách là người ở tuổi trung niên, có thể nhai miếng trầu trực tiếp và tận hưởng hương vị cay, thơm của miếng trầu. Nếu là người già, sẽ cho miếng trầu tiêm vào ống ngoáy để ngoáy cho mềm và sau đó mới nhai trầu. Bộ dụng cụ ăn trầu được làm bằng nhiều nguyên liệu da dạng từ đồng, bạc cho đến gốm, bao gồm cơi đựng trầu, bình vôi, chìa vôi, ống nhổ, dao bổ cau, ống ngoáy, chìa ngoáy. Hoa văn trang trí dụng cụ ăn trầu thường là những nét hoa văn, chạm trổ về phong cảnh quê hương đất nước, hoa lá hay động vật. Xưa ở quê Dế mèn còn thấy các cụ cho vào ống catuc tức là vỏ viên đạn để làm cối xay trầu.
Trầu có vị như thế nào ?
Miếng trầu gồm bốn loại nguyên liệu: Cau (vị ngọt), lá trầu không (vị cay), rễ (vị đắng), vôi (vị nóng). Cây cau vươn cao biểu tượng của trời (dương). Vôi chất đá biểu tượng của đất (âm). Dây trầu mọc từ đất, quấn quýt thân cây cau, biểu tượng cho sự trung gian. Miếng trầu gồm miếng cau, lá trầu quết vôi, phụ thêm miếng vỏ cây chát (miếng rễ).
Nghệ thuật têm trầu:
Cách ăn trầu rất duyên dáng. Họ ăn trầu để làm đỏ môi, đen răng và tạo ra nét môi cắn chỉ rất đẹp.“Họ có tục đem theo một vài túi con đầy trầu cau đeo ở thắt lưng, họ để mở trong khi qua lại phố phường để mời bạn bè. Khi gặp họ bắt đầu chào hỏi nhau, rồi mỗi người lấy ở trong túi của bạn một miếng trầu để ăn”.Hình ảnh quả cau như hạnh phúc tròn đầy, màu đỏ của sự son sắt vững bền , nhất là hình ảnh lá trầu hình như trái tim đẹp tựa cho tấm người phụ nữ thủy chung .Cho tới ngày nay, tuy tục ăn trầu và mời trầu ít phổ biến như xưa, trầu cau vẫn mang một ý nghĩa sâu xa nhất định trên nhiều lĩnh vực như y học, tâm lý xã hội, bản sắc truyền thống dân tộc một thứ nhai chơi, tuy đơn sơ nhưng vẫn là thứ không thể thiếu trong việc giao hiếu, kết thân, lễ tế, cưới hỏi, bởi miếng trầu đã mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam.Những vật dụng dùng trong tục ăn trầu giờ đây đã trở thành di sản của một phong tục tập quán tốt đẹp được lưu giữ mãi trong mỗi người Việt chúng ta.