1.Phố Đinh Liệt : Đây là vị tướng giỏi một trong những Khai quốc công thần của Lê Lợi, khi xưa khu phố này nổi tiếng chuyên buôn bán các mặt hàng Len.
2.Phố Gia Ngư :vùng đất gần hồ Thái cực có một làng nghề chuyên làm nghề chài lưới nên gọi là làng cá, sau thời vua Minh Mạng bắt đổi Hán hóa nên thành tên Gia Ngư. Thời Pháp tên phố là Tirant nên hiện nay có khách sạn đặt ngay tên này đối diện May D Ville 43 Gia Ngư.
3.Phố Hàng Bè : Hiện nay tại số nhà 29 phố Hàng Bè vẫn còn di tích ngôi đình Ngũ Hầu, thờ Cao Tứ, một anh hùng truyền thuyết từ thời Thục Phán An Dương Vương.
Trước kia đầu phố ở gần cửa ô Mỹ Lộc, giáp bờ sông Hồng. Theo các nhà nghiên cứu địa lý thì đất Hàng Bè vốn là một khúc của con đê cũ. Khi dòng chảy còn ở sát chân đê thì các bè gỗ, nứa, tre, song, mây, lá gồi từ miền ngược xuôi về thường áp vào đây để đem lên chợ tiêu thụ, thành ra khúc đê này có tên Hàng Bè, chợ trên đê là chợ Hàng Bè. Khi cát bồi đưa lòng sông ra xa, bè mảng không áp sát vào chân đê được nữa thì phố này trở thành nơi buôn bán cau, nên còn có tên phố Hàng Cau.
Vào những năm 1920 – 1930, đa số nhà dân ở Hàng Bè đều là cửa hàng bán cau tươi, cau khô, trong đó nổi tiếng có các hiệu Phúc Lợi (số 18), Thịnh Phát (số 4). Ngoài ra, đoạn gần ngã tư Cầu Gỗ có một dãy nhà chuyên bán sơn và một vài nhà chuyên bán đồ khô. Năm 1940, trên phố xuất hiện hiệu bánh gai Đan Quế (số 24).
Từ khi Hàng Bè mất vị thế bến sông thì không còn nhiều các hiệu buôn bán vào loại lớn nữa mà chủ yếu dân cư là người đi làm công chức, ban ngày nhà thường đóng cửa, phố không tấp nập như xưa. Tuy nhiên, nơi đây đã ghi dấu nhiều tên tuổi phú gia và trí thức hồi đầu thế kỷ 20. Chẳng hạn như thầu khoán Trương Vọng Trọng ở số 42, ngôi nhà này gồm nhiều lớp, bên trong có nhà thờ họ (nay là trường PTCS Bắc Sơn) được xây vào năm 1925 – 1926. Nhà số 18 của ông Cả Tung từng là một di tích với kiến trúc cổ, diện tích rộng, lòng sâu. Căn nhà số 10 được xây dựng vào năm 1938 của bác sĩ Nguyễn Hữu Thuyết (1912 – 1995), một bác sĩ yêu nước, thương dân thuộc lớp đầu tiên của trường Y Đông Dương và tham gia kháng Pháp từ những ngày cuối năm 1946. Số 15 Hàng Bè từng là tư gia của Nhất Linh, một cây bút đại thụ của văn học Việt Nam đầu thế kỉ 20, thành viên chủ chốt của Tự lực văn đoàn.
4.Phố Hàng Bồ: Cuối thế kỷ 19, phố Hàng Bồ có tên là Hàng Dép và ở đây quả thật từng tập trung các cửa hàng bán guốc dép. Vài thập niên trôi đi, nhiều hộ dân bắt đầu làm nghề đan bồ nứa, đến dịp Tết thì chất đầy hè phố, kẻ mua người bán tấp nập, vì dân các tỉnh về Hà Nội cất hàng cần có bồ để đóng chứa. Mặt hàng này về sau cũng phải lùi dần vào các chợ, những cửa hiệu lớn chuyển sang hoạt động kinh doanh khác. Thời trước năm 1945, cứ khoảng gần Tết Nguyên đán thì trên vỉa hè phố Hàng Bồ lại có nhiều ông đồ bày mực tàu, giấy đỏ để viết chữ, bán cho dân treo mừng xuân mới. Họ trải chiếu ngồi dưới mái hiên của mấy cửa hàng lớn chuyên bán buôn (nên ít khách ra vào), treo lên tường câu đối viết sẵn, những đôi liễn hoa tiên, dưới chiếu bày chậu mực, ống bút và cả tập giấy màu.
Hàng Bồ còn là phố tranh Tết. Những người làng Đông Hồ, Hàng Trống đem các loại tranh dân gian bằng giấy dó đến treo trên tường và bày dưới hè, lấp lánh màu phẩm điều, phẩm lục, phẩm vàng nghệ. Đủ các tranh gà, lợn, đám cưới chuột. Có những bức tranh khắc gỗ to, vẽ nhiều sự tích: ông Thiên Lôi, bà La Sát, hứng dừa, đánh ghen, đánh vật, v.v..