Người chia thành ba loại.
Thượng đẳng là loại đầu.
Trung đẳng là loại giữa.
Hạ đẳng là loại sau.
Khổng Tử đã từng dạy:
Cách nghĩ là nết người.
Nghĩ gì sẽ thành ấy.
Luôn vẫn thế ở đời.
Người thượng đẳng nói Đạo.
Trung đẳng nói sự tình.
Hạ đẳng nói xúc xiểm
Và cái lợi cho mình.
Làm việc, người thượng đẳng
Nghĩ tới việc giúp người.
Trung đẳng - luôn suy xét.
Hạ đẳng - chỉ thích lười.
Người thượng đẳng đời trọng.
Trung đẳng, người trung bình,
Không được ai biết đến.
Hạ đẳng - đời coi khinh.
Thượng đẳng - luôn điềm đạm.
Trung đẳng - còn tùy người.
Hạ đẳng - luôn nóng nảy,
Ăn nói không lựa lời.
Thượng đẳng - tin bất biến.
Trung đẳng - tin vào mình.
Hạ đẳng - luôn lo sợ,
Hoài nghi người xung quanh.
*
Năng lực nhờ tôi luyện.
Kiến thức do học hành.
Dẫu người có duyên số,
Nhưng mệnh là do mình.
Mưa không làm trốc rễ
Nếu rễ cây cắm sâu.
Hãy luôn học đạo pháp,
Kiểu mưa dầm thấm lâu.
Bước đầu - lý giải đạo.
Ngộ đạo - bước thứ hai.
Đắc đạo là bước tiếp,
Gần với Đức Như Lai.
Chỉ đạo pháp có thể
Giúp chúng ta, con người,
Thành thông tuệ, hạnh phúc,
Anh bình và thảnh thơi.
Người chia thành ba loại.
Tự hỏi mình loại nào?
Rồi cố gắng tu tập
Để nâng mình lên cao.
KHI NGƯỜI THÂN QUA ĐỜI
Cuộc đời người ngắn ngủi.
Có mà tưởng như không.
Chết, người xem là nặng.
Người nhẹ như lông hồng.
Người thấu hiểu Phật Pháp
Coi cái chết của mình
Chỉ là bước chuyển tiếp
Trong Luân Hồi Vãng Sinh.
Khóc khi ai đó chết
Là việc rất bình thường.
Đó là cách thể hiện
Sự quyến luyến, yêu thương.
Tuy nhiên, theo Nhà Phật,
Khóc nhiều là không nên.
Chạm vào xác người chết
Thì lại càng không nên.
Vì tâm thức người chết
Đúng lúc lìa khỏi thân
Đang hoảng hốt, chới với
Trước cảnh khổ trầm luân.
Lúc ấy phải nghe khóc
Thì lại càng rối bời.
Tâm thức không siêu thoát
Để lìa bỏ cõi đời.
Tốt hơn, nên niệm Phật,
Cầu Phật A-di-đà
Để người thân tịnh độ
Trước giây phút đi xa.
Cách ấy giúp người chết
Vượt qua nạn Tam Đồ,
Thoát ly vòng Tam Giới,
Thanh thản và vô lo.