z2087285651735 6ac7058e96a0e2f6fa7438b631999176

Kênh Giáo Dục , Văn Hoá Cổ Truyền Đặc Sắc Hàng Đầu Việt Nam

Kênh Giáo Dục Nhân Tâm, Văn Hoá Cổ Truyền Đặc Sắc Hàng Đầu Việt Nam.

Ngôn ngữ

MIỀN ĐẤT NGHĨA TÌNH

21
Ngày xưa có cây táo,
Lá xum xuê và dày.
Một cậu bé rất thích
Chơi với nó hàng ngày.
 
Cậu thường leo lên nó,
Hái quả ăn ngon lành.
Trưa mệt, cậu nằm ngủ
Dưới tán lá cây xanh.
 
Cậu bé yêu cây táo
Chân thành và ngây thơ.
Cây táo cũng yêu cậu,
Ngày nào nó cũng chờ.
 
Thời gian trôi, cậu bé
Cứ lớn dần, lớn dần,
Cậu bận học, có vẻ
Đã quên người bạn thân.
 
Một hôm cậu xuất hiện,
Đôi mắt thoáng buồn rầu.
Cây táo hồ hởi nói:
“Nào, ta chơi với nhau!”
 
Cậu bé đáp: “Xin lỗi,
Tớ đã lớn, buồn sao,
Không thể chơi với cậu
Vui vẻ như ngày nào.
 
Tớ muốn đồ chơi đẹp,
Mà lại không có tiền.”
Cây táo nói: “Thật tiếc,
Tớ cũng không, tất nhiên,
 
Nhưng cậu có thể hái
Táo của tớ trên cây.
Cách ấy tớ có thể
Giúp được cậu lần này.”
 
Cậu bé nghe, sung sướng
Hái hết táo mang đi,
Rồi không thấy quay lại.
Cây buồn, không nói gì.
 
Bỗng một hôm, cậu bé,
Giờ là người đàn ông,
Quay lại gặp cây táo,
Nhiều phiền muộn trong lòng.
 
Lần nữa ông xin lỗi:
“Tớ đã có gia đình,
Mà nhà thì chưa có,
Một ngôi nhà của mình.”
 
Cây táo đáp: “Thật tiếc,
Tớ cũng không có nhà.
Nhưng cậu có thể chặt
Cành lá tớ xùm xòa.
 
Hy vọng cậu đủ gỗ
Để xây nhà cho mình.
Ngôi nhà quan trọng lắm
Khi cậu có gia đình.”
 
Người đàn ông sung sướng
Chặt hết cành mang đi,
Không một lần quay lại.
Cây buồn, không nói gì.
 
Rất cô đơn và lạnh
Khi gió bão, mưa sa,
Nhưng cây táo hạnh phúc
Biết bạn mình có nhà.
 
Người đàn ông lại đến,
Mái tóc bạc trên đầu.
Cây táo thấy, vui sướng:
“Nào, ta chơi với nhau!”
 
“Không, tớ già, muốn nghỉ.
Bao phiền muộn trong lòng.
Tớ cần chiếc thuyền nhỏ.
Cậu giúp tớ được không?”
 
“Thế thì chặt thân tớ,
Để đóng một con tàu.
Cậu tha hồ chơi biển,
Sẽ không thấy buồn rầu.”
 
Ông già chặt cây táo,
Thuê xe đến mang đi
Rồi không hề quay lại.
Cây buồn, không nói gì.
 
Cuối cùng ông cũng đến,
Một ông lão yếu gầy.
“Tớ không còn gì nữa
Để cho cậu lần này, -
 
Cây nói. - Không còn táo
Để cậu thích thì ăn.”
Ông lão đáp: “Răng rụng,
Không nhai được, không cần.”
 
“Thân tớ không còn nữa
Để leo như ngày nào.”
“Đã qua rồi thời đó.
Ừ, cái thời vui sao.”
 
“Vậy thì tớ quả thật
Không còn gì để cho,
Ngoài gốc cây và rễ
Đang mục dần thành tro.”
 
“Bây giờ, - ông lão nói.
Tớ quả không cần nhiều.
Chỉ một nơi để nghỉ
Và để sưởi nắng chiều.”
 
“Thế thì tốt, thật tốt.
Tớ giúp cậu lần này.
Để tựa và để nghỉ,
Gì tốt hơn gốc cây?”
 
Ông lão ngồi xuống nghỉ,
Tựa lưng ông bạn già.
Cây táo vui, muốn khóc,
Đôi mắt lệ ướt nhòa.
 
Các bạn trẻ thân mến,
Tôi viết câu chuyện này
Cho bạn - những cậu bé,
Còn bố mẹ là cây.
 
Thế đấy, ta, con cái,
Chỉ biết nghĩ về mình.
Không biết rằng bố mẹ
Phải suốt đời hy sinh.
 
Ta được sinh, khôn lớn,
Rồi đi xa, bay xa,
Cuối cùng lại cần đến
Vòng tay bố mẹ già.
 
Câu chuyện này triết lý
Hãy đọc cho con mình,
Để chúng không ích kỷ,
Dẫu tài giỏi, thông minh.
 
22
Theo người ta kể lại,
Xưa có người đàn ông
Sống với một cậu bé
Trong ngôi nhà ven sông.
 
Đó là hai ông cháu.
Người ông tóc bạc phơ.
Cậu bé mới mười tuổi.
Quang cảnh đẹp, nên thơ.
 
Hàng ngày ông đọc sách.
Vâng, đọc sách hàng ngày.
Có nhiều cuốn sách cổ
Gáy bọc da, rất dày.
 
Còn cậu bé đi học,
Cũng hàng ngày, buổi chiều,
Khi làm xong bài tập,
Cậu chơi bóng, thả diều.
 
Cũng có hôm chơi chán,
Cậu đọc sách cùng ông,
Nhưng đọc không hứng lắm,
Và lúc hiểu, lúc không.
 
“Ông ơi, sao thế nhỉ, -
Cháu đọc thấy không hay,
Lại buồn ngủ, không hiểu.
Mà ông đọc suốt ngày.”
 
Ông mỉm cười bảo cậu
Lấy chiếc giỏ than đen
Vừa đổ than vào bếp,
Xuống sông xách nước lên.
 
Cậu vâng lời, rất cố,
Nhưng khi lên đến nơi,
Nước đã chảy ra hết.
Ông cậu lại mỉm cười:
 
“Thì cháu hãy thử lại.
Lần này đi nhanh hơn.”
Cậu đi gần như chạy,
Mà nước vẫn không còn.
 
Cậu xách thêm lần nữa,
Mồ hôi chảy thành dòng:
“Không thể dùng chiếc giỏ
Để lấy nước, thưa ông.”
 
Ông cậu đáp: “Đúng vậy.
Thực ra ông hôm nay
Không muốn cháu lấy nước,
Mà muốn nói điều này:
 
Giỏ không đựng được nước.
Nhưng giỏ bám than đen,
Sau mấy lần “lấy nước”
Sẽ sạch, trắng dần lên.
 
Cũng vậy, cháu đọc sách,
Khó hiểu, thấy không cần.
Nhưng cháu kiên trì đọc,
Đầu óc sẽ sáng dần.”
 
Cậu bé nhìn chiếc giỏ,
Hình như lần đầu tiên,
Thấy nó được nước rửa
Không còn bám bụi đen.
 
Vâng, ông già nói thế,
Rằng đọc sách rất cần
Tâm hồn và ý nghĩ
Sẽ thanh lọc dần dần.
 
Còn tôi thì nhân tiện
Xin nói thêm một điều:
Tương tự, nhạc cổ điển
Cũng giúp ta rất nhiều.
 
Nghe nó, từng tí một,
Như đọc sách hàng ngày,
Ta trở thành người tốt
Tự lúc nào không hay.
 
Nó làm ta tinh tế,
Thấy cái đẹp của đời,
Nghe bài ca của gió,
Thấm cái đau của người.
 
23
Khi một cửa bị đóng,
Có thể cách không xa,
Một cửa khác đang mở,
Bạn có thể đi qua.
 
Thế mà bạn chỉ tiếc
Chiếc cửa đóng, buồn phiền.
Không tìm các lối khác
Để tiếp tục đi lên.
 
24
Tứ Thư của Khổng Tử
Có cuốn gọi Trung Dung,
Khuyên ta trong mọi cái
Đừng đẩy đến tận cùng.
 
Lão Tử, còn hơn thế,
Khuyên ta sống tự nhiên
Như mây trời, cây cỏ,
Sẽ thoát hết buồn phiền.
 
Cứ đều đều mà tiến.
Vội vã mà làm gì.
Cái gì đến sẽ đến.
Cái gì đi sẽ đi.
 
Trong cái may có rủi.
Trong rủi có cái may.
Để chứng minh điều ấy,
Tôi có câu chuyện này.
 
* Một bác nông dân nọ
Có con ngựa cái non.
Thế mà nó chạy mất,
Khiến cả nhà rất buồn.
 
Hay tin, nhiều hàng xóm
Đến chia buồn với ông.
Ông nói: “Ừ, rủi thật.
Cũng có thể là không.”
 
Hôm sau, con ngựa cái
Tự nhiên chạy về nhà,
Kéo theo một con đực.
Ối chà chà, ối chà!
 
Hàng xóm lại kéo đến
Chia vui, uống say mèm.
Chủ nhà vẫn tỉnh táo:
“Ừ, còn để rồi xem.”
 
Được hai ngày, bất cẩn,
Thằng con cả của ông
Tập cưỡi con ngựa mới,
Ngã gãy chân, vẹo hông.
 
Hàng xóm đến an ủi:
Ôi tiếc sao, buồn sao.
Ông bố tư lự nói:
“Để còn xem thế nào.”
 
Bỗng xẩy ra chiến sự.
Lính vua đến đầy nhà
Để bắt lính, cậu cả
Chân què, nên được tha.
 
Hàng xóm lại kéo đến,
Lại mừng, uống suốt đêm.
Ông chủ nhà không uống,
Lẩm bẩm: “Để rồi xem.”
 
25
Câu chuyện này có thật,
Mà lại chuyện ngày nay,
Được nhiều người biết đến.
Đại khái chuyện thế này.
 
Có một nhà toán học
Trẻ tuổi và thông minh,
Tiếc rằng chàng nghèo quá
Nên đã bị người tình
 
Bỏ rơi, theo người khác,
Theo một chàng sĩ quan.
Cuộc đời vốn vẫn vậy,
Chẳng có gì đáng bàn.
 
Một lần, hai chàng ấy
Cãi cọ rất gắt gay,
Rồi thách nhau đấu súng,
Hẹn sau hai mươi ngày.
 
Nhưng đời thật trái khoáy:
Trong hai mươi ngày sau,
Nhiều phương trình toán học
Bỗng xuất hiện trong đầu.
 
Chàng cắm cúi làm việc,
Chạy đua với thời gian,
Hết tính toán lại viết,
Không rời khỏi chiếc bàn.
 
Rồi hai mươi ngày hết,
Công trình vẫn chưa xong.
Một công trình vĩ đại,
Chàng ấp ủ trong lòng.
 
Thôi thì đành chịu nhục.
Phải hoàn tất công trình,
Chàng xin hủy cuộc đấu,
Và đã được người tình
 
Thẳng thừng ném vào mặt
Một chữ “Hèn” sỗ sàng.
Chữ “Hèn” nhục nhã ấy
Suýt đã giết chết chàng.
 
Nhưng chàng cố gượng dậy
Bất chấp lời thị phi,
Lại làm việc, làm việc,
Ngoài ra không biết gì.
 
Cuối cùng, công trình ấy
Cũng được chàng viết xong,
Một công trình vĩ đại
Chàng thực sự hài lòng.
 
Chàng tắm rửa sạch sẽ,
Uống một cốc rượu vang,
Cầm khẩu súng thách đấu
Rồi bắn vào tim chàng. *
 
“Bàn về toán vũ trụ”,
Công trình toán “dở hơi”,
Được in mấy trăm bản
Sau khi chàng qua đời.
 
Rồi thiên tài vật lý
Einstein, một ngày,
Trong cửa hàng sách cũ
Nhìn thấy công trình này.
 
Ông say mê đọc nó,
Quả có một không hai.
Chốc chốc ông ngả mũ
Như cúi chào thiên tài.
 
Đọc xong ông kinh ngạc,
Suýt nữa thì kêu lên,
Khi thấy chữ “Le Lâche
Tên tác giả - Thằng Hèn.
 
Lát sau ông chữa lại
Thành “Lâche le Grand”,
Tức “Thằng Hèn Vĩ Đại.”
Cũng là một dạng hèn.
 
* Câu chuyện chỉ có thế.
Chẳng biết viết thêm gì.
Mà cũng chẳng cần viết.
Ai nghĩ gì thì tùy.
 
Có cái sai trong đúng,
Có cái đúng trong sai.
Có những người nhỏ bé,
Có những bậc thiên tài.
 
Có cái hèn hèn thật,
Có cái hèn tạm thời.
Ừ, thì hèn cũng được,
Miễn có ích cho đời.
 
26
Cả khi nhiều người trách,
Anh cũng chớ nản lòng.
Thường sai và thiên vị
Là ý kiến đám đông.
 
27
Lấy vợ, anh sẽ chết.
Không lấy càng chết hơn.
Hay chọn cái ở giữa
Có vợ và cô đơn?
 
28
Đừng đem chiếc lược quí
Tặng ông hói đáng thương.
Đừng mong người mù mắt
Cảm ơn anh cho gương.
 
29
Ai may mắn có cháu
Và được gọi bằng ông,
Thì phải nhớ cư xử
Đúng nghĩa một người ông.
 
30
Khổng Tử có một thuyết
Gọi là thuyết Chính Danh.
Ai làm việc người ấy,
Theo chức phận của mình.
 
Người dạy phải dạy tốt.
Người học phải siêng năng.
Tuyệt đối không lẫn lộn,
Kiểu nửa ông nửa thằng.
 
Ta bây giờ, thật lạ,
Ai cũng muốn làm thầy,
Dù ít học, ngu dốt.
Tai họa là chỗ này.
 
31
Người dân quê chân chất,
Thật thà và hiền lành.
Có thể đúng thế thật,
Nhưng nhiều bác cũng kinh.
 
Đặc biệt là mấy bác
Đạp xe bán hàng rong,
Thường nói thách, cân thiếu
Với tôi, khách đàn ông.
 
Họ thơ ngây, cứ nghĩ
Dân thành phố dễ lừa.
Chuyện nhỏ, tôi không nói,
Nhưng biết thì biết thừa.
 
32
Nhiều người nói hay lắm,
Nghe cứ như thánh thần,
Nhưng làm thì dở ẹc,
Đặc biệt trong thơ văn.
 
Là ý tôi muốn nói
Rằng khi nghe nhà thơ,
Muốn thì tin một nửa,
Còn thì hãy cứ chờ.
 
Lại nữa, đọc thơ họ
Mà bạn không hiểu gì
Thì lỗi không phải bạn,
Mà là họ, tin đi.
 
Vì trong trường hợp ấy,
Điều họ viết, thực ra
Không có gì để hiểu,
Toàn nhảm nhí, ba hoa.
 
Thấy nhà thơ nào đó
Nói oang oang, hùng hồn,
Cam đoan, thơ người ấy
Bé tí, cỏn còn con.
 
33
Về khái niệm hạnh phúc,
Người ta nói mãi rồi.
Xin phép kể câu chuyện
Từng xẩy ra với tôi.
 
Lần ấy nằm bệnh viện,
Phải mổ, đái không ra.
Có thằng nhóc giường cạnh,
Lên hai hoặc lên ba.
 
Hắn tè vào bô sắt,
Tiếng thật đều, thật êm.
Nói thật với các bác,
Tôi nghe thế mà thèm.
 
Và nghĩ, nếu đái được,
Chắc chắn tôi là người,
Dẫu nghèo, dẫu sắp mổ,
Hạnh phúc nhất, nhất đời.
 
Sau lần ấy, ra viện,
Tôi vẫn tè hàng ngày,
To và êm hơn nó,
Thế mà lạ điều này,
 
Tôi nghĩ sự tè ấy
Là bình thường, đương nhiên,
Không thấy mình hạnh phúc,
Cũng chẳng sướng như tiên.
 
Thế đấy, ta đang có
Nhiều cái để làm ta
Trở thành người ta muốn.
Vậy còn kiếm đâu xa?
 
34
Để kính trọng người khác,
Người có tài, thông minh,
Trước hết anh phải học
Kính trọng bản thân mình.
 
35
Mấy cái vụ bê bối
Về thơ thẩn vừa rồi,
Lỗi không phải tác giả,
Mà lỗi chính, theo tôi,
 
Là dân trí nó thấp,
Là xã hội nó điên,
Là những trò vớ vẩn
Nghe thum thủm mùi tiền.
 
36
Ta có thể hào phóng
Chơi thân với một người.
Tặng quà, mời ăn nhậu…
Liên tục mấy năm trời.
 
Nhưng một lần, vô ý,
Nhỡ làm hắn mất lòng.
Hắn gọi ta là chó,
Trở mặt, coi như không.
 
Điều này nghe thật lạ,
Nhưng lạ nữa, bây giờ
Đa phần là như thế.
Không tin, mời cứ chờ.
 
37
Bào thai trong bụng mẹ
Chỉ chín tháng mười ngày.
Khó tin nhưng sự thật:
Trong quãng thời gian này
 
Bào thai ấy lặp lại
Lịch sử của cuộc đời,
Nhiều triệu năm tiến hóa
Từ đơn bào thành người.
 
38
Không có ai, nam giới,
Là phái mạnh hoàn toàn.
Không có ai, nữ giới,
Là phái yếu hoàn toàn.
 
Yếu hay mạnh phụ thuộc
Cách ứng xử với nhau.
Muốn gì sẽ được ấy,
Thậm chí cả đối đầu.
 
39
Đàn ông sống không vợ,
Nhà không còn là nhà.
Quan trọng không phải sex,
Mà hơi ấm đàn bà.
 
40
Tục ngữ Anh có nói:
Lúc trẻ ai thích lười
Thì yên tâm mà khổ
Ở phần cuối cuộc đời.
 
A youngman iddle,
An old man needy.
Người Anh nói thế đấy,
Tin hay không thì tùy.

 

READERS EVALUATION ( 5 Stars )

68-689217 customer-reviews2-transparent-background-5-star-logo 1

INFORMATION CONTACT

 Ngô Đức Hòa ( Dế Mèn ) Phone : 0972.013.168

 Email:demenradiongoduchoa@gmail.com

Đăng ký nhận tin

Email(*)
Trường bắt buộc

Gửi

Fanpage