Trời mưa, cà phê nhạt.
Tự nhiên nhớ cháu con.
Nhớ thì nhớ, vẫn uống.
Vừa uống, vừa nghĩ buồn.
*
Chính nghĩa hay phi nghĩa
Thì vẫn là chiến tranh.
Và cái giá phải trả
Vẫn là người dân lành.
*
Mỗi lần nghe đài báo
Khen cái nọ, cái này
Là lại thấy lo lắng.
Mà lo lắng hàng ngày.
Đài báo cứ leo lẻo
Mấy câu chữ ngày xưa.
Một trăm câu chữ ấy,
Chín mươi câu chữ thừa.
Giờ có nhiều cái sợ,
Đến không dám ra ngoài.
Muốn ở nhà, khốn nỗi,
Lại sợ thằng báo đài.
*
Sao mấy thằng đế quốc
Chỉ nhằm đánh nước ta,
Mà không đánh nước khác
Cũng na ná như ta?
Mà sao bác lịch sử
Giao sứ mạng quang vinh
Cho ta đánh đế quốc
Để thế giới hòa bình?
*
Tự nhiên nghĩ vơ vẫn,
Buồn lo cho cháu con.
Cà phê vốn đã nhạt,
Giờ lại thêm vị buồn.
Mai sau thời thế đổi,
Mình có bị chửi không?
Chúng có lý để chửi:
Tiên sư thằng cha ông!
KHỦNG KHIẾP
Lớn, và thật khủng khiếp
Khi hàng triệu con người
Vì chiến tranh ly tán,
Và vĩnh viễn lìa đời.
Nhưng khủng khiếp hơn thế,
Khi người Việt chúng ta,
Những người may sống sót
Cuộc chiến tranh vừa qua,
Chợt thấy không còn nữa,
Cái tử tế, cái tình.
Đến bàng hoàng như thể
Mình mà không phải mình.
DŨNG CẢM
Những con người dũng cảm
Dám vượt lên chính mình,
Đấu tranh vì công lý
Cho đất nước, cho mình.
Họ bất chấp cái chết,
Sẵn sàng chịu tù đày.
Thật đáng khen, đáng quí
Những người dũng cảm này.
Nhưng cũng không thể trách
Những người đang lặng thinh,
Không dám nói sự thật
Vì lo sợ cho mình.
Dũng cảm như hạt giống
Nằm sâu dưới đất đen
Đang chờ mưa, chờ vụ
Để đâm chồi mọc lên.
SÀI GÒN
Trước bảy lăm, nghe nói,
Không biết có đúng không,
Rằng Sài Gòn lúc ấy
Là Hòn Ngọc Viễn Đông.
Tức là nhất khu vực,
Hơn đứt Singapore.
Bangkok gọi bằng cụ,
Nói gì thằng In-đô.
Xem ảnh Sài Gòn cũ,
Vào những năm sáu mươi,
Thấy phố rộng, sạch đẹp,
Nhiều xe máy, xe hơi.
Trong khi đó Miền Bắc
Cũng vào thời gian này,
Chiếc xe đạp còn hiếm,
Nhiều những con trâu cày.
Giờ Sài Gòn nhếch nhác,
Thua đứt Singapore.
Gọi Bangkok bằng cụ.
Thua cả thằng In-đô.
Tự nhiên thương và nhớ
Hòn ngọc ấy Viễn Đông.
Sài Gòn của người khác,
Thế mà thấy chạnh lòng.